Lượt xem: 830
Bàn về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất (Điều 325) và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 326) của Bộ luật dân sự 2015
20/10/2020
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xây dựng cơ chế xử lý đồng thời quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
Trên thực
tế, vì đặc tính tự nhiên vốn có của tài sản nên đất và tài sản gắn liền với đất
thường là một thể thống nhất về hiện trạng và tình trạng pháp lý, do vậy, nếu
không có cơ chế xử lý đồng thời trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất
mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc chỉ thế chấp tài sản gắn liền với
đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc
xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là vấn đề bán (chuyển quyền sở hữu) tài sản thế
chấp cho người mua. Do vậy, để giải quyết “điểm nghẽn” về xử lý tài sản bảo đảm
trong trường hợp nói trên, trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định của khoản
19 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ
về giao dịch bảo đảm, khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định:
“Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất
và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản
được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận
khác.”. Tương tự cách tiếp cận như trên,
khoản 1 Điều 326 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp chỉ thế chấp tài
sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản
gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm
cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”. Đây được xem là giải
pháp quan trọng có tính chất đột phá của Bộ luật Dân sự năm 2015 trong việc
tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp chỉ thế
chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại.
Tuy nhiên, về vấn
đề này, cần thống nhất về mặt nhận thức, việc xử lý đồng thời tài sản gắn liền
với đất (trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất) hoặc quyền sử dụng đất
(trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất) nhằm tạo thuận lợi cho
việc xử lý tài sản bảo đảm chứ không đồng nghĩa với việc nó là căn cứ để xác định
tài sản được xử lý đồng thời với tài sản thế chấp cũng trở thành tài sản thế chấp.
Theo đó, trên nguyên tắc, tài sản được xử lý đồng thời không phải là tài sản thế
chấp, nên khoản tiền thu được từ việc bán tài sản này sẽ chỉ được thanh toán
cho bên nhận thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận và việc thanh toán
sẽ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Dương Phúc Trường
Phòng 9 VKSND tỉnh